Cách trị thâm mụn tại nhà đơn giản mà hiệu quả
Cách xử lý vết thâm, trị thâm mụn tại nhà thế nào cho hiệu quả là vấn đề mà rất nhiều bạn trẻ phải đối mặt và là chủ đề được bàn đến rất nhiều trên các diễn đàn chăm sóc da hiện nay. Trị mụn là quá trình dai dẳng cần sự kiên trì và hiểu biết nhất định về các hoạt chất trị mụn.
Tuy nhiên, khi tình trạng mụn được cải thiện thì các vết thâm đeo bám có thể khiến bạn rơi vào một vòng luẩn quẩn giữa trị mụn- thâm rồi mụn mới hình thành- trị mụn – trị thâm. Với bài viết này Tynn sẽ cung cấp cho bạn đọc những kiến thức cơ bản nhất về thâm mụn và cách điều trị thâm mụn sao cho hiệu quả nhất.
BÀI VIẾT NÀY CÓ GÌ?
2. Nguyên nhân hình thành thâm mụn
3. Những nguyên nhân khiến thâm mụn thêm trầm trọng
3.1. Nặn mụn sớm và nặn mụn sai cách
3.2. Không sử dụng kem chống nắng hoặc bôi kem chống nắng không đủ lượng
4. Cách điều trị thâm mụn hiệu quả tại nhà
4.1. Sử dụng sản phẩm dưỡng da có tác dụng kháng viêm, dịu da
4.2. Sử dụng các sản phẩm chứa hoạt chất có tác dụng trị thâm mụn
1. Phân loại các vết thâm mụn
Các vết thâm do mụn để lại được phân chia làm hai loại chính là vết thâm đỏ và vết thâm đen.
1.1. Vết thâm đỏ
Các vết thâm đỏ là giai đoạn đầu của việc hình thành vết thâm khi mà phản ứng viêm vừa kết thúc. Vùng da bị tổn thương vừa liền miệng nhưng chưa kịp tái tạo, phục hồi hoặc chưa phục hồi hoàn toàn. Thâm đỏ cũng có thể do huyết sắc tố chưa được đào thải hết hoặc mạch máu phì đại dẫn đến tổn thương và vỡ. Biểu hiện nhìn thấy được bằng mắt là vùng da bị tổn thương có các nốt màu đỏ hồng, mỏng hơn các vùng da xung quanh.
1.2. Vết thâm đen
Thâm đen xuất hiện khi phản ứng viêm đã kết thúc , các tổn thương trên da đã lành hoàn toàn. Đây chính là lí do mà các vết thâm đen thường được cho là sẹo mụn. Nguyên nhân thường gặp khiến hình thành vết thâm đen là do cơ địa , do vết thương không được phục hồi một cách khoa học , do vết thâm đỏ tiếp xúc với ánh nắng mặt trời mà không được bảo vệ dẫn tới hiện tượng tăng sắc tố.Với các vết thâm mụn màu đen cứng đầu việc xử lý chúng mất thời gian hơn và cần các hoạt chất mạnh mẽ hơn.
2. Nguyên nhân hình thành thâm mụn
Bất cứ một tổn thương nào trên da do các tác động dù là bên ngoài hay bên trong, đặc biệt là quá trình mụn hình thành và phát triển đều đi kèm với phản ứng viêm. Đồng thời với phản ứng này là việc kích thích sự phát triển của Melanocytes – hay còn gọi là hắc tế bào- là tế bào chịu trách nhiệm sản sinh Melanin. Nói cách khác chính các phản ứng viêm gây ra tình trạng tăng sắc tố mà điển hình là thâm mụn.
3. Những nguyên nhân khiến thâm mụn thêm trầm trọng
3.1. Nặn mụn sớm và nặn mụn sai cách
Khi có mụn xuất hiện , bạn cảm thấy “ngứa mắt” và muốn xử lý chúng ngay. Nhiều bạn còn sờ nắn lên vết mụn thậm chí khi tay còn bẩn. Nặn mụn khi mụn còn chưa già, chưa chín, chưa gom cồi khiến tình trạng mụn thêm tồi tệ, gây viêm nặng hơn và dẫn đến thâm mụn
Bên cạnh đó nặn mụn sai cách cũng khiến vết thâm do mụn ngự trị lâu trên mặt bạn. Nặn mụn sai cách gồm tác động nặn mụn quá mạnh bạo khiến vùng da có mụn bị tổn thương rộng, không lấy hết nhân mụn. Đặc biệt đối với mụn nang, mụn có ổ máu viêm bên dưới, nếu không xử lý triệt để ổ máu viêm thì không chỉ khiến mụn tái đi tái lại mà còn dẫn đến tình trạng thâm không dứt.
3.2. Không sử dụng kem chống nắng hoặc bôi kem chống nắng không đủ lượng
Phơi nhiễm tia UV gây ra các tổn thương trầm trọng như đứt gãy collagen, elastin, gây nám, lão hóa… Da mụn cũng được xếp vào loại da yếu, đặc biệt vùng da sau nặn mụn đang chịu những tổn thương nên rất dễ bị tăng sắc tố và cần được bảo vệ tránh phơi nhiễm UV, tránh những tác động của ánh nắng mặt trời.
Xem thêm:9 thói quen xấu gây mụn cần tránh mà bạn mắc phải hằng ngày
4. Cách điều trị thâm mụn hiệu quả tại nhà
4.1. Sử dụng sản phẩm dưỡng da có tác dụng kháng viêm, dịu da
Trong quá trình trị mụn và trị thâm mụn, việm ngừa viêm, chống lại các tác nhân gây viêm là điều cực kì cần thiết. Như đã đề cập ở trên, điều này sẽ giúp hạn chế sự phát triển quá kích của hắc tế bào.
Các hoạt chất giúp kháng viêm trị thâm mụn bao gồm:
- Các hoạt chất nhóm B như Niacinamide (B3) và Pathenol (B5)
- BHA
- Chiết xuất rau má.
- Vitamin C, đặc biệt ưu tiên các dạng như MAP, SAP nếu mụn chưa khỏi.
- Peptide: Ưu tiên sử dụng GHK Cu thúc đẩy quá trình liền thương sau nặn mụn, ngoài ra GHK Cu còn hỗ trợ trị sẹo nữa.
4.2. Sử dụng các sản phẩm chứa hoạt chất có tác dụng trị thâm mụn
Đây là các hoạt chất có khả năng tiêu diệt hắc tế bào, tẩy da chết, có khả năng làm sáng da. Chúng bao gồm:
- Vitamin C: Ưu tiên phái sinh LAA nếu đã hết mụn, đây là phái sinh hiệu quả nhất trong số các dạng hiện tại của Vitamin C nhưng có thể gây kích ứng ở da nhạy cảm, da yếu. Hai dạng khác cũng được chứng minh hiệu quả không kém mà an toàn hơn là EAA và THDA.
- Retinol: Retinol không chỉ có tác dụng trị mụn, chống lão hóa mà còn giúp sáng da, trẻ hóa làn da nữa đó bạn.
- AHA/BHA: Là hoạt chất có khả năng tẩy da chết, nên đương nhiên chúng có tác dụng trị thâm, tuy nhiên với các vết thương do mụn bạn nên hết sức cẩn thận vì sử dụng tẩy da chết quá đà có thể khiến tình trạng tổn thương da trầm trọng thêm.
- Kojic Acid, Arbutin, Nags, Phytic Acid : Là những hoạt chất giúp giảm thâm, sáng da hiệu quả nhưng nguy cơ kích ứng không cao như Hydroquione.
5. Sử dụng kem chống nắng
Như đã đề cập, da sau khi trị mụn còn yếu, màng bảo vệ da bị tổn thương nên rất dễ bị tăng sắc tố và cần được bảo vệ tránh phơi nhiễm UV. Do đó sử dụng kem chống nắng đúng cách và đủ lượng kết hợp với các biện pháp che chắn như khẩu trang, mũ nón sẽ giúp đánh bay các vết thâm nhanh hơn .
6. Kết luận
Tóm lại, trị mụn đã mệt nhưng trị thâm mụn còn cần sự kiên nhẫn hơn, không nóng vội tránh kích ứng, bùng phát viêm và có thể gây tình trạng da rối loạn sắc tố. Bạn thắc mắc gì về trị thâm và các hiện tượng khác về sắc tố da, hãy cho Tynn biết, mình sẽ giúp các bạn giải đáp, tháo gỡ các thắc mắc nha.