NIACINAMIDE – THÀNH PHẦN TOÀN NĂNG TRONG LÀNG MỸ PHẨM
Niacinamide – Một thành phần đa năng nổi trội hay còn gọi là ngôi sao sáng trong làng mỹ phẩm. Nó đã chiếm một vị trí vô cùng quan trọng chu trình chăm sóc da của rất nhiều người nghiện skincare. Cùng nhau tìm hiểu bài viết dưới đây để hiểu rõ về Ngôi sao sáng này, Niacinamide là gì và công dụng của Niacinamide trong làm đẹp nhé!
BÀI VIẾT NÀY CÓ GÌ?
2. Công dụng của Niacinamide trong làm đẹp
2.1 Củng cố hàng rào bảo vệ da chắc khỏe
2.2 Hỗ trợ làm mờ thâm, sáng da
2.3 Chống lão hóa và chống oxy hóa
2.4 Khả năng kháng viêm, ngừa mụn
3. Các hoạt chất có thể hỗ trợ với Niacinamide
3.1 Niacinamide nên kết hợp với thành phần nào thì tốt?
3.2 Một số lưu ý khi sử dụng Niacinamide
4. Niacinamide trị mụn có tốt không?
5. Niacinamide sử dụng như thế nào trong routine?
6. Niacinamide kỵ với chất nào?
7. Ingredient FAQ – Toàn bộ thắc mắc về Niacinamide
1. Niacinamide là gì?
Tên gọi: Niacinamide hay còn gọi là Vitamin B3 hoặc Nicotinamide.
Niacinamide là một dẫn xuất của Vitamin B3, một hoạt chất hòa tan trong nước và không hòa tan được trong dầu. Niacinamide được hình thành trong cơ thể con người khi ăn các thực phẩm chứa niacin như gan, nấm,… Chúng chuyển từ Niacin thành Niacinamide, như một tiền thân của Coenzyme NAD (Nicotinamide Adenine Dinucleotide) và NADP (Nicotinamide Adenine Dinucleotide Phosphate) – những Coenzyme này có chức năng thúc đẩy sự trao đổi chất của tế bào trong cơ thể. Thực tế thì chúng tham gia vào quá trình sinh hóa, sửa chữa DNA và luân chuyển tế bào.
Niacinamide trong mỹ phẩm là một hoạt chất vàng – thành phần hoạt động ổn định và có độ pH trung tính. Chúng ta thấy các sản phẩm chứa Niacinamide thường có nền nước. Niacinamide đã có hiệu quả khi trong sản phẩm từ 2% và cao nhất là 20%. Tuy nhiên, đối với người mới, chúng ta vẫn nên cẩn thận khi bắt đầu với nồng độ cao.
2. Công dụng của Niacinamide trong làm đẹp
Là một lựa chọn khá hay ho cho những người muốn thử trải nghiệm nhiều loại hoạt chất mà vẫn có thể đảm bảo được việc da được phục hồi tốt. Hãy cùng nhau tìm hiểu thử những điều mà Niacinamide có thể đem lại cho làn da và Niacinamide có tác dụng gì nhé.
2.1. Củng cố hàng rào bảo vệ da chắc khỏe
Được biết đến, Niacinamide là một hoạt chất có khả năng phục hồi, cấp ẩm và ngăn ngừa sự mất nước qua da, cũng có nghĩa là nó có khả năng củng cố hàng rào bảo vệ để cho da chắc khỏe.
Niacinamide có khả năng thúc tế bào sừng (keratinocytes) phân chia, tức là nếu đứt tay đứt chân thì nhanh liền hơn, tẩy da chết quá đà thì nhanh mọc lại hơn, da bị tổn thương được phục hồi nhanh hơn.
Niacinamide thúc mọc màng bảo vệ da, tức là da đang tổn thương, mất màng, màng sinh ra không hoàn hảo (như mấy đứa hay bị viêm da đó) tự dưng da được khoác 1 lớp áo giáp bảo vệ, đỡ lẻo khẻo hơn.
Niacinamide thúc tăng sinh collagen đồng thời chống oxy hóa, bảo vệ da, tránh đứt gãy collagen tự thân, tức là khi da tổn thương nhiều sẽ nhanh lành hơn và hạn chế vết thương xấu.
2.2. Hỗ trợ làm mờ thâm, sáng da
Công dụng của Niacinamide mà chúng ta được nghe tới khi nhắc đến là làm mờ thâm sáng da. Nổi bật của thành phần này, chính là có khả năng hỗ trợ trị thâm đỏ dành cho da mụn. Thật sự tuyệt vời khi một hoạt chất có khả năng hỗ trợ làm mờ các loại thâm tốt như vậy.
Ngoài ra, việc làm sáng và đều màu da cũng được nhắc đến không thua kém gì khả năng hỗ trợ làm mờ thâm. Đó là lý do vì sao Niacinamide là đứa con cưng trong cộng đồng skincare.
2.3. Chống lão hóa và chống oxy hóa
Niacinamide cùng một lúc hạn chế quá trình lão hóa và phân hủy collagen, nó thúc đẩy quá trình tăng sinh, hình thành sợi collagen mới.
Bên cạnh đó, chức năng sửa chữa DNA cũng rất nổi trội. Với cơ chế tự sửa chữa tế bào bị hư hại nhưng càng lão hóa thì khả năng này càng yếu, dẫn đến tích tụ nhiều. Càng nhiều tế bào hư hại thì càng lão hóa nhanh. Có nghĩa là cung cấp nguồn nguyên liệu quan trọng ảnh hưởng trực tiếp tới quá trình sửa chữa DNA, ổn định bộ gen và hạn chế sự biến dị.
Thêm một chức năng khá là hay ho, Niacinamide cũng có thể dùng kết hợp với kem chống nắng để tăng khả năng chống nắng và oxy hóa (tương tự Vitamin C).
2.4. Khả năng kháng viêm, ngừa mụn
Chức năng này có lẽ không cần bàn tới khi nhắc đến công dụng của Niacinamide. Với tính năng kháng viêm, nó hỗ trợ rất tốt cho vấn đề mụn viêm và khiến mụn giảm sưng đau. Khi nồng độ Niacinamide trong sản phẩm là 4% thì khả năng kháng viêm của nó sẽ tương đương với Clindamycin.
3. Các hoạt chất có thể hỗ trợ với Niacinamide
3.1 Niacinamide nên kết hợp với thành phần nào thì tốt?
– Niacinamide + Glucosamine (NAG): Niacinamide kết hợp với Glucosamine (NAG) giúp tăng hiệu quả làm sáng da, mờ thâm lên gấp đôi.
– Niacinamide + Zinc PCA: Niacinamide kết hợp với Zinc PCA giúp tăng khả năng kiềm dầu, giảm viêm và diệt khuẩn mụn.
– Niacinamide + HA: Niacinamide kết hợp với HA tăng dưỡng ẩm cho da.
– Niacinamide + Vitamin C: Niacinamide kết hợp với Vitamin C tăng khả năng làm sáng và đều màu da bằng 2 cơ chế khác nhau.
– Niacinamide + Retinol: Niacinamide kết hợp với Retinol là sự kết hợp tuyệt vời, vừa làm sáng da, vừa tăng sinh collagen, vừa làm đều màu da và chống lão hóa.
3.2 Một số lưu ý khi sử dụng Niacinamide
Giai đoạn làm quen Niacinamide và các biểu hiện khi da không thích ứng
Niacinamide tuy không có tác dụng phụ đáng kể nhưng vẫn có khả năng kích ứng nhẹ như: sần mụn li ti, đỏ da, nổi mụn viêm/bọc/mủ hoặc hơi nóng đối với những người chưa từng sử dụng qua. Khi muốn làm quen với Niacinamide thì chúng ta sử dụng từ nồng độ thấp nhất nhé.
Tuy nhiên, đối với những làn da không thể sử dụng Niacinamide thì có nghĩa là da không thể hấp thụ và nên tránh những sản phẩm chứa Niacinamide.
Với nồng độ 10% đến 20% Niacinamide trong một sản phẩm thì có thực sự cần thiết?
Như đã nói phía trên, công dụng của Niacinamide từ nồng độ 5% trở lên sẽ mang lại hiệu quả cao hơn. Tuy nhiên, hiệu quả cao thì cũng đi đôi với việc tác dụng phụ của nó cũng sẽ cao hơn. Chúng ta hãy suy nghĩ thật kỹ khi chọn nồng độ để đáp ứng nhu cầu của da mình nhé.
Niacinamide cần lưu ý khi đi đôi với hoạt chất nào?
- LAA (Vitamin C): Với sản phẩm LAA có pH thấp nên hạn chế không dùng chung để tránh kích ứng.
- BHA (Salicylic Acid): Dù có khả năng giảm được mụn li ti, kháng viêm nhưng BHA là chất có tỉ lệ kích ứng, ko hợp da khá cao. Do đó khi kết hợp với Niacinamide thì rủi ro càng cao, và khiến bạn ko biết được là do mình không hợp Niacinamide hay kích ứng Salicylic acid.
4. Niacinamide trị mụn có tốt không?
Niacinamide được coi là một hoạt chất dễ chịu và nên có trong các chu trình điều trị hay ngừa mụn vì khả năng kháng viêm, kiểm soát lượng dầu trên da sẽ giúp cho quá trình ngăn ngừa mụn tái phát và mụn viêm sẽ dịu lại, se cồi nhanh hơn.
Không những làm giảm viêm mụn tốt, Niacinamide còn giúp phục hồi làm lành vết thương, giảm tối đa những tổn thương do các loại mụn như mụn mủ, mụn viêm sưng,… để lại. Vậy nên, Niacinamide sẽ đồng hành cùng bạn đi trên con đường “tiêu diệt” mụn và lấy lại một làn khỏe, mịn màng và đều màu hơn.
Đối với những vấn đề mụn sưng viêm (nhẹ đến vừa phải), Niacinamide sẽ giúp bạn giảm đi tình trạng sưng viêm trước, sau đó sẽ bắt đầu phục hồi và tăng cường hàng rào bảo vệ da để tránh khỏi những yếu tố bên ngoài gây tình trạng viêm nhiễm tệ hơn. Ngoài ra, việc kiểm soát lượng dầu trên da sẽ giúp tình trạng mụn đỡ hơn, không bị bí tắc đồng thời mang lại độ ẩm cho da.
Đặc biệt, Niacinamide lại cực hữu dụng trong quá trình sau khi hết mụn, nó sẽ giúp bạn làm mờ thâm đỏ, nâu hay nâu đen. Giúp làn da giảm đỏ, đều màu và sáng hơn nhiều. Không phải lo vấn đề da sạm xỉn nữa.
5. Niacinamide sử dụng như thế nào trong routine?
Niacinamide luôn có ở nhiều dạng sản phẩm như sữa rửa mặt, serum, lotion hoặc kem dưỡng. Vì vậy, chúng ta phải luôn sử dụng theo thứ tự từ lỏng đến đặc, từ pH thấp đến cao nhé. Hoạt chất này có thể sử dụng cả sáng lẫn tối, vì nó dễ chịu, cho nên có thể kết hợp với rất nhiều chất đặc trị khác như Azelaic Acid, Retinoids, AHAs,… trong cùng một routine.
Trong quá trình sử dụng, với làn da nhạy cảm, Niacinamide có thể sẽ gây châm chích da một chút, nếu sau đó tình trạng đó giảm đi và hết hẳn thì bạn có thể dùng tiếp mà không cần lo lắng. Ngược lại, nếu gây ra tình trạng châm chích liên tục, nổi mụn đỏ li ti nhiều thì hãy ngưng ngay nhé, có thể bạn không phù hợp với nó rồi.
6. Niacinamide kỵ với chất nào?
Nói đúng hơn không hẳn là kỵ nhưng tốt nhất các bạn tránh sử dụng cùng Vitamin C dạng LAA chung routine. Nếu muốn an toàn, sau khi apply LAA thì hãy đợi tầm 10-20ph rồi hãy tiếp tục cho Niacinamide lên da nhé. Cách tốt nhất vẫn nên đưa Vitamin C LAA vào buổi sáng và Niacinamide vào buổi tối nhé.
7. Ingredient FAQ – Toàn bộ thắc mắc về Niacinamide
B3 có trị mụn viêm không?
B3 có hỗ trợ giúp giảm viêm, kiềm dầu nên sẽ giảm mụn viêm...
Thứ tự sử dụng Niacinamide
Niacinamide rất dễ rửa trôi, do đó tốt nhất là sử dụng ở bước dưỡng như toner, serum, kem dưỡng để đảm bảo Niacinamide phát huy hiệu quả tối đa. Có nghi ngại về việc sử dụng chung với acid hoặc sp có độ PH thấp, có khả năng chuyển hóa thành Nicotinic Acid gây ngứa và đỏ da. Tuy nhiên, phản ứng này cần rất nhiều điện kiện khó để có thể xảy ra. Nếu bạn lo lắng thì hãy chờ 5-10p khi sử dụng giữa các bước nhé.
Tại sao dùng B3 bị châm chích?
Các phản ứng phụ của Niacinamide thường là mụn đầu trắng, mụn liti, mụn viêm, sần da và ngứa. Phản ứng châm chích thì rất ít báo cáo ghi nhận, chủ yếu là do kích thước hạt của Niacinamide rất nhỏ nên xuống sâu dưới da. Do đó nếu châm chích diễn ra lâu và liên tục, bạn có thể kiểm tra lại xem có phải châm chích do thành phần khác ko? ***Chú ý: da bào mỏng quá đà, yếu màng, dính kem trộn thì rất dễ bị châm chích.
Niacinamide trị thâm đỏ hay thâm đen?
Niacinamide có thể hiệu quả với cả 2 loại thâm này. Tuy nhiên, do có thêm khả năng phục hồi và giảm viêm, cho nên Niacinamide sẽ có tác dụng tốt nhất với thâm mới, thâm đỏ (vốn là thâm trên nền da còn viêm).
Lần đầu sử dụng Niacinamide nên như thế nào?
Nếu bạn chưa bao giờ sử dụng Niacinamide, đặc biệt là loại serum liều cao thì việc cẩn thận là không bao giờ thừa. Nếu da mẫn cảm với thành phần này mà còn bôi ngay liều cao, liên tục thì có thể dẫn tới kích ứng nặng. Với serum 4-10% Niacinamide, bạn nên thử nhỏ 1,2 giọt vào kem dưỡng trong 2 tuần, hoặc bôi trực tiếp nhưng chỉ 2-3 lần/tuần trong 2 tuần.